Danh sách các chương trình đề tài Danh sách các chương trình đề tài

Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.
13/07/2022 | 10:11  | View Count: 50

Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.

Sáng ngày 6/7/2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.

Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Hải Bình – Phó chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội; Đỗ Thanh Hiền – Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố Hà Nội, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội; Đinh Hồng Phong – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Nguyễn Thị Phương Chung - Ủy viên Ban Thường vụ Quận, Phó Chủ tịch HĐND quận; Nguyễn Quốc Hoàn - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quận; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Quận ủy, UBMTTQ và các đoàn thể quận, các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quận; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc quận; các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UB MTTQ phường, Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách VH-XH; đại diện lãnh đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác phường; các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; Tổ trưởng dân phố và đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tín dụng chính sách được khen thưởng.

Tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Thanh Thủy – Giám đốc Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm đã trình bày báo cáo tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2022 của Chính phủ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Báo cáo nêu rõ: 18 phường của quận Hoàn Kiếm có 132 tổ dân phố, dân số gần 140.000 người với gần 38.000 hộ gia đình. Hiện trên địa bàn quận không còn hộ nghèo, có 75 hộ cận nghèo, 937 người khuyết tật; hàng nghìn hộ khó khăn có nhu cầu kinh doanh, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, cán bộ công chức, viên chức, quân nhân chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an quận và Ban Chỉ huy Quân sự quận, gần 20 nghìn người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp đang sinh sống và làm việc trên địa bàn quận.

Trong 20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quận luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy - HĐND - UBND quận, sự phối hợp chặt chẽ của các hội, đoàn thể, các phòng, ban, ngành quận, UBND các phường và sự tham gia của cả hệ thống chính trị với 88 Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Công tác triển khai tín dụng chính sách đã đạt được nhiều kết quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn quận.

Trong 20 năm hoạt động, Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận kịp thời kiện toàn các thành viên khi có sự thay đổi về nhân sự để đảm bảo chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng chính sách xã hội không bị gián đoạn. Từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 1423/VPCP-KTTH ngày 01/3/2015, Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận đã tham mưu bổ sung thành viên là Chủ tịch UBND các phường, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, nhất là trong việc tổ chức chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc triển khai tín dụng chính sách tại cơ sở.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận luôn quan tâm, chỉ đạo NHCSXH phối hợp với phòng, ban, ngành, đoàn thể quận và UBND các phường triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn; duy trì chế độ họp định kỳ hàng quý để đánh giá kết quả hoạt động quý trước, triển khai nhiệm vụ quý tiếp theo; phân công các thành viên Ban đại diện kiểm tra, giám sát công tác triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn các phường nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách; tham mưu UBND quận chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn như: bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH hàng năm để cho vay giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo, tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, khôi phục kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; hỗ trợ kinh phí hoạt động và chỉ đạo UBND phường bố trí địa điểm, thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại các Điểm giao dịch… Mô hình Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận đã thực sự phát huy được sức mạnh, hiệu quả, nhất là từ khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trở thành mô hình đặc thù riêng có của hệ thống Ngân hàng CSXH.

Phương thức cho vay chủ yếu tại NHCSXH hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội được NHCSXH Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm thực hiện trên cơ sở văn bản liên tịch ký kết với tổ chức chính trị - xã hội cấp quận, Hợp đồng ủy thác ký với tổ chức chính trị - xã hội cấp phường và Hợp đồng ủy nhiệm ký với Tổ trưởng Tổ TK&VV.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 02 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn quận là 91.323 triệu đồng với 2.077 hộ vay đang vay vốn, trong đó: Hội Liên hiệp Phụ nữ quận quản lý 81.847 triệu đồng với 1.889 hộ vay đang vay vốn tại 74 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 89,6% trên tổng dư nợ ủy thác; Hội Cựu chiến binh quận quản lý 9.476 triệu đồng với 188 hộ vay đang vay vốn tại 14 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 10,4% trên tổng dư nợ ủy thác cho vay. Phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Trung ương, Thành phố và của Quận đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ TK&VV dưới sự chứng kiến của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp phường và Tổ trưởng dân phố, ngân hàng giải ngân trực tiếp tới người vay tại các Điểm giao dịch được triển khai có hiệu quả trong 20 năm qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Thông qua phương thức cho vay này, tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với chuyển giao phương thức kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức hội, đoàn thể được mở rộng, phong phú, uy tín của hội, đoàn thể được nâng cao, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.

Trong những năm qua, vai trò của Tổ trưởng tổ dân phố trong triển khai tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở được khẳng định, vừa góp phần giúp chuyển tải kịp thời các thông tin về chủ trương, tín dụng chính sách xã hội đến với nhân dân, vừa phát huy vai trò giám sát trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay tại Tổ TK&VV, giám sát người vay sử dụng vốn, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý các trường hợp có nguy cơ rủi ro trong quá trình sử dụng vốn cũng như phối hợp với Tổ, Hội, NHCSXH và các cơ quan liên quan trong việc đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng trên địa bàn.

Về hoạt động tại các Điểm giao dịch phường: UBND quận đã chỉ đạo thành lập 5 Điểm giao dịch tại 5 phường, 13 phường còn lại giao dịch tại trụ sở NHCSXH Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm. Các Điểm giao dịch đều được bố trí tại trụ sở UBND phường, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (Kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật). Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách các hộ đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình tín dụng đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách, khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và  UBND phường.

Mô hình Điểm giao dịch phường là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong hoạt động của NHCSXH. Mô hình này vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về chính sách của Nhà nước, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại phường”, góp phần hạn chế nguy cơ rủi ro, chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH.

Về mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV): Để triển khai thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, Phòng giao dịch NHCSXH Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm đã thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp quận, cấp phường quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn các tổ TK&VV. Tổ TK&VV do tổ chức chính trị - xã hội thành lập, được UBND phường chấp thuận cho phép hoạt động, gồm người nghèo, các đối tượng chính sách, người dân khó khăn thiếu vốn kinh doanh, giải quyết việc làm cùng sống trong một tổ dân phố. Hoạt động của Tổ theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Tổ TK&VV được UBND phường giao nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi dưới sự quản lý, hướng dẫn và giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng dân phố.

Đến ngày 30/6/2022, toàn quận có 88 tổ TK&VV đang hoạt động tại 132 tổ dân phố trực thuộc quản lý của 02 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 2.077 thành viên. Tổ TK&VV là cánh tay nối dài của Ban đại diện HĐQT NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa chính quyền và người dân, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, tiết kiệm, bảo đảm công khai, dân chủ.

Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đạt 173.028 triệu đồng, tăng 169.041 triệu đồng (gấp 43,3 lần so với năm 2003), trong đó: Nguồn vốn được điều chuyển từ Trung ương: 85,896 triệu đồng, tăng 100% (gấp 21,5 lần so với năm 2003). Nguồn vốn huy động theo lãi suất thị trường được Trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất là 14.036 triệu đồng, tăng 100% so với năm 2003, trong đó: Nguồn vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế là 4.235 triệu đồng.

 Nguồn tiền gửi của Tổ viên Tổ TK&VV là 9.801 triệu đồng với 88 Tổ TK&VV (100% tham gia gửi tiền tiết kiệm). Việc triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV được triển khai từ năm 2008 trên địa bàn quận, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác làm quen với các dịch vụ Ngân hàng, có thói quen tiết kiệm, tích lũy nguồn trả nợ, góp phần tạo lập được nguồn vốn, bổ sung nguồn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách Thành phố và Quận: 73.096 triệu đồng, tăng 100% so với năm 2003, trong đó: Nguồn vốn cho vay từ ngân sách Thành phố ủy thác qua NHCSXH đạt 43.397 triệu đồng. Nguồn vốn từ ngân sách Quận ủy thác qua NHCSXH quận là 28.609 triệu đồng. Nguồn vốn Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ quận ủy thác qua NHCSXH quận là: 1.000 triệu đồng. Nguồn vốn Hội Chữ thập đỏ quận ủy thác qua NHCSXH Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm là 90 triệu đồng.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn quận không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách Quận ủy thác qua NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm của Quận ủy-HĐND-UBND-UB MTTQ quận trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, HĐND-UBND quận đã cân đối ngân sách chuyển 26.609 triệu đồng sang NHCSXH Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo, các đối tượng chính sách, người lao động khó khăn thiếu vốn sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của quận về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Việc thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 3.987 triệu đồng, đến nay, trên địa bàn quận đang triển khai cho vay 05 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến 30/6/2022 đạt 150.380 triệu đồng với 2.090 hộ đang vay vốn, tăng 146.393 triệu đồng (gấp 38 lần so với năm 2003), dư nợ bình quân là 44 triệu đồng/hộ vay, trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Trung ương và vốn Ngân sách Thành phố ủy thác là 120.770 triệu đồng với 1.384 hộ đang vay vốn; dư nợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách Quận ủy thác là 28.610 triệu đồng với 675 hộ đang vay vốn; dư nợ nguồn vốn Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ quận ủy thác là 1.000 triệu đồng với 31 hộ đang vay vốn, cụ thể như sau:

Cho vay hộ mới thoát nghèo: số tiền 43 triệu đồng với 02  hộ vay, lũy kế 20 năm cho vay đến 846 lượt hộ.

Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ: số tiền 85.265 triệu đồng với 2.063  hộ vay, lũy kế 20 năm cho vay đến 25.692 lượt lao động.

Cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ: 6.015 triệu đồng với 12 hộ vay.

Cho vay các cơ cở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 24/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ: 80 triệu đồng với  01 cơ sở mầm non, trường mẫu giáo ngoài công lập.

Cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho người lao động theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ: 58.977 triệu đồng với 12 lượt người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 18.663 lượt người lao động

Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, UBND quận đã tập trung nguồn lực ủy thác qua NHCSXH cho vay. Đến 30/6/2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến 18/18 phường, tạo điều kiện để nhân dân có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Lũy kế 20 năm qua đã giải ngân tới trên 1.200 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và giải quyết việc làm cho trên 25.600 lượt lao động, giúp cho trên 1.200 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, 12 lượt doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương ngừng việc; 01 trường mầm non vay vốn sửa chữa nâng cấp lớp học sau đại dịch COVID-19, 75 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng người dân vay vốn từ tín dụng đen, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, đã từng bước thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Rất nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn, bệnh tật, thoát nghèo bền vững nhờ vốn tín dụng chính sách như: chị Đỗ Thị Thanh Hường ở phường Trần Hưng Đạo, chị Trần Thị Hồng Tươi ở phường Phan Chu Trinh ... nhờ nguồn vốn ưu đãi đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, có điều kiện giúp các con học tập, đạt thành tích tốt.

Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quận trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Quận ủy-HĐND-UBND quận, giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 xuống còn 0%; hộ cận nghèo trên địa bàn quận còn 75 hộ, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện...

Trong 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị quận, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn quận đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quận, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Quận ủy - HĐND - UBND quận thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch bệnh COVID-19. Kết quả đạt được của tín dụng chính sách khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH với các tổ chức tín dụng khác.

Phát huy những kết quả đạt được, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH quận đề ra Mục tiêu tổng quát là: Tập trung nguồn lực và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quận theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của Thành phố trong từng giai đoạn; phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng của Đảng, Chính phủ, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Mục tiêu cụ thể là:

Điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn có hiệu quả, đảm bảo cung cấp dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách, người dân khó khăn thiếu vốn kinh doanh đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, giải quyết việc làm, khôi phục kinh doanh, phục hồi kinh tế góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn quận trong các năm tiếp theo.

Nguồn vốn: Phấn đấu tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 6-8%, riêng nguồn vốn ủy thác bổ sung từ Ngân sách quận hàng năm đạt từ 5-10 tỷ đồng.

Tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm từ 6-8%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 99%.

Chất lượng tín dụng: Tiếp tục duy trì không để phát sinh nợ quá hạn.

Đảm bảo chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV chuyển tải kịp thời có hiệu quả, chất lượng vốn tín dụng chính sách xã hội đến các đối tượng thụ hưởng, không để phát sinh Tổ hoạt động không hiệu quả trên địa bàn.

Từ những mục tiêu này, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH quận đề ra và phấn đấu thực hiện tốt 9 giải pháp để tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quận, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm...

Tham luận của đại diện các đơn vị và cá nhân đã làm rõ thêm các kết quả đạt được và góp bàn nhiều giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ tín dụng chính sách trong thời gian tới.

Thay mặt Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội, đồng chí Lê Hải Bình – Phó chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội đã phát biểu ghi nhận những thành tích Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội đạt được trong thời gian qua và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đinh Hồng Phong - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội quận đã đạt được trong việc triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP. Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, đồng chí Đinh Hồng Phong cho biết, mục tiêu của quận giai đoạn tới là tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quận theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của Thành phố trong từng giai đoạn; bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng của Đảng, Chính phủ, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Để thực hiện, quận sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn có hiệu quả cao, bảo đảm cung cấp dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách, người dân khó khăn thiếu vốn kinh doanh đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, giải quyết việc làm, khôi phục kinh doanh, phục hồi kinh tế góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn quận trong các năm tiếp theo.

Trong đó phấn đấu tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 6-8%, riêng nguồn vốn ủy thác bổ sung từ ngân sách quận hàng năm đạt từ 5-10 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm từ 6-8%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 99%; Tiếp tục duy trì không để phát sinh nợ quá hạn. Cùng với đó, sẽ bảo đảm chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn nhằm chuyển tải kịp thời có hiệu quả, chất lượng vốn tín dụng chính sách xã hội đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Với những kết quả nổi bật trong triển khai tín dụng chính sách xã hội 20 năm qua, ghi nhận thành tích của các tập thể và cá nhân, tại hội nghị, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương đã tặng Giấy khen và khen thưởng 2 tập thể, 4 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ. UBND quận Hoàn Kiếm khen thưởng 13 tập thể, 52 cá nhân có thành tích trong hoạt động Tín dụng chính sách giai đoạn 2002 - 2022 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

 

Các đại biểu dự hội nghị.

Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng hội nghị.

Các đồng chí đại diện lãnh đạo quận tặng hoa chúc mừng hội nghị.

Đồng chí Lê Thị Thanh Thủy – Giám đốc Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm trình bày báo cáo tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2022 của Chính phủ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tại hội nghị.

Đồng chí Lê Hải Bình – Phó chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Đinh Hồng Phong - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

  Đồng chí Lê Hải Bình – Phó chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội trao thưởng cho các tập thể và cá nhân được khen thưởng.

Đồng chí Đinh Hồng Phong - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm trao thưởng cho các tập thể khen thưởng.

Đồng chí Đỗ Thanh Hiền – Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố Hà Nội, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội trao thưởng cho các cá nhân được khen thưởng.

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Chung - Ủy viên Ban Thường vụ Quận, Phó Chủ tịch HĐND quận trao thưởng cho các cá nhân được khen thưởng.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn - Ủy viên Ban Thường vụ Quận, Phó Chủ tịch UBND quận trao thưởng cho các cá nhân được khen thưởng.

Quang cảnh hội nghị.

Tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị.

thăm dò dư luận thăm dò dư luận

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?